• Tiếng Việt
  • Japan
Chi tiêu hàng tháng đội lên vì tiền mua kit test

VỀ NHẬT BẢN

Chi tiêu hàng tháng đội lên vì tiền mua kit test

Chi tiêu hàng tháng đội lên vì tiền mua kit test

Thứ 5, 03/03/2022, 09:34 GMT+7

Lương 8 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu, Bích Phương thường tiết kiệm được 1/4 số này. Tuy nhiên gần đây, cô phải sử dụng hết khoản này để mua kit test.
Khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội ngày càng tăng, Bích Phương (27 tuổi), quản lý shop thời trang ở quận Hoàn Kiếm, lúc nào cũng mang ít nhất 2 kit test nhanh trong túi lúc đi làm.
“Trung bình cứ 5-7 ngày, mình phải test một lần hoặc khi cửa hàng có người dương tính. Đi làm giữa cả rừng F0, không test thì lo mà test thì vừa đau mũi, vừa tốn tiền mua kit. Thế nhưng, tính chất công việc phải tiếp xúc nhiều người mỗi ngày, mình chấp nhận vì phòng ngừa còn hơn chữa bệnh”, cô nói với Zing.


Nhiều người dân thường xuyên test nhanh Covid-19 ở nhà vì lo sợ mắc bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Tương tự Bích Phương, lo sợ bản thân và gia đình nhiễm SARS-CoV-2, không ít người sử dụng kit test nhanh thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Một số vẫn test dù không xuất hiện triệu chứng bệnh.
Trong khi đó, nhu cầu mua kit test nhanh tăng vọt khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm cục bộ, một số hiệu thuốc tăng giá bán hoặc thông báo hết hàng. Nhiều người thừa nhận tần suất test dày đặc cộng với giá sản phẩm tăng khiến họ bị đội chi tiêu hàng tháng.

Tốn kém


Khi nhân viên lần lượt nghỉ vì thành F0, cửa hàng của Bích Phương rơi vào tình trạng thiếu người. Vì vậy, cô phải có mặt ở đây gần như cả ngày và làm thay việc của nhân viên.
Không chỉ mệt mỏi khi phải gồng gánh công việc, nữ quản lý còn đau đầu vì tiền mua kit test nhanh quá tốn kém.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của Phương giảm 50-60% so với trước kia. Lương 8 triệu đồng/tháng, cô trả tiền thuê nhà, điện, nước hết một nửa; ăn uống tốn khoảng 2 triệu đồng do phải thường xuyên ăn ở ngoài.
“Số tiền 2 triệu đồng mình thường tiết kiệm hàng tháng thì giờ phải dùng để mua kit test. Khoản này phải tự chịu vì cửa hàng không có chính sách hỗ trợ. Mình thường mua kit test của người quen, giá dao động 65.000-70.000 đồng/kit. Mỗi lần, mình mua hàng chục que test để sử dụng dần”, cô nói.
“Chỉ mong dịch sớm qua chứ cứ đà này, đi làm lương không đủ để mua kit test”, Phương thở dài.


Hiện, giá kit test tăng do nhu cầu cao đột biến, hàng cũng trở nên khó mua hơn. Ảnh: DMS.

Nguyễn Hằng (21 tuổi), sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, sống cùng gia đình ở huyện Đan Phượng. Hàng ngày, bố mẹ cô bán hàng ở chợ, em gái đi học trực tiếp trên trường.
“Từ đợt dịch căng thẳng, mỗi thành viên có ít nhất 5 que test nên tổng cộng nhà mình đã mua 25 kit, chưa kể còn đi test dịch vụ bên ngoài. Mình cần mua số lượng lớn như vậy để theo dõi tình hình sức khỏe trước và sau khi mắc Covid-19, đảm bảo an toàn cho cả nhà”, nữ sinh viên nói với Zing.
Hằng cho biết cô mua kit test trực tiếp ở hiệu thuốc. Giá mặt hàng này không cố định, khi 65.000 đồng, lúc lại lên 85.000-90.000 đồng. Cô thấy rất nhiều loại kit test mà không thể phân biệt.
“Nhà mình có triệu chứng mới test nên 3 ngày kiểm tra một lần. Việc test thường xuyên như vậy khiến mọi người cảm thấy rất đau và tốn tiền. Thế nhưng, nhiều khi có triệu chứng rõ ràng nhưng test vẫn âm tính. Riêng mình test 6 lần mới hiện 2 vạch. Hiện tại, sức khỏe của mình đã dần ổn định”.
Bình thường, chi tiêu hàng tháng của gia đình Hằng không quá nhiều. Tuy nhiên, tính riêng đợt Covid-19 này, họ mất hơn 2 triệu đồng tiền mua kit test. Nữ sinh Đại học Ngoại thương hy vọng thời gian này, chính quyền sẽ có biện pháp xử lý với việc nâng giá kit test quá cao và ngăn chặn việc sản xuất hàng giả.

Mong giá kit test bình ổn

Hai tuần nay, gia đình Thanh Trúc (25 tuổi), nhân viên văn phòng ở Hà Nội, mua thêm hàng chục kit test. Nhà 4 người nên cứ cách tầm 2-3 hôm, họ lại test một lần.
“Nhà mình test từ lúc chưa 2 vạch đến khi lần lượt trở thành F0 rồi khỏi bệnh, không biết bao nhiêu lần. Kit test thì mua rẻ là 70.000-80.000 đồng/que, còn đắt phải 90.000 đồng. Tính sơ sơ cũng tốn khoảng 3-4 triệu đồng tiền kit test, chưa kể thuốc thang. Chi tiêu tháng này vì thế mà đội lên so với bình thường”, cô nói.
Cách đây một tuần, Trúc test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Ba hôm trước, cô thử lại còn 2 vạch mờ. Tới ngày 28/2, cô gái 25 tuổi là người cuối cùng trong gia đình chính thức khỏi bệnh.
“Thấy que test một vạch thì mừng lắm vì tạm thoát khỏi cảnh chọc mũi suốt ngày. Khi hết cách ly, mình sẽ xin trở lại văn phòng làm việc vì 2 tuần nay nhốt mình trong nhà quá bí bách. Tất nhiên trước đó, mình sẽ tự test nhanh để đảm bảo an toàn. Mình mong là không vì có dấu hiệu cháy hàng mà nhiều nơi tự ý tăng giá kit test, khiến người dân vừa lo sợ bệnh, vừa đau đầu vì tốn kém”, cô nói.
N. L., chủ shop thời trang order tại Hà Nội, cũng hy vọng tiền kit test không bị thổi lên theo từng ngày.


Hai tuần nay, gia đình Thanh Trúc tốn 3-4 triệu đồng để mua kit test. Ảnh: NVCC.


Từ tháng 12 tới giờ, L. cho biết cô sử dụng gần 100 kit test cho bản thân, gia đình và nhân viên. Cô thường mua cả hộp để dùng dần với giá khoảng 90.000 đồng/test.
“Dịch khó khăn khiến doanh thu giảm mạnh, gồng gánh cửa hàng đã khó mà còn lo tiền mua kit test thật sự rất mệt mỏi. Chỉ mong dịch sớm qua đi, cuộc sống trở lại bình thường”, cô nói.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết: “Chúng ta đang sử dụng test nhanh rất lãng phí. Có những bệnh nhân theo dõi tại nhà, ngày test đến 3 lần vào sáng, trưa, chiều tối. Ngày nào cũng test để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào âm tính. Một người dương tính thì cả nhà đều test liên tục. Người có triệu chứng test, người không triệu chứng cũng test. Thậm chí, có gia đình không ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ hãi Covid-19”. ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc test nhanh liên tục là không cần thiết. Người dân chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, đau ngực. Bác sĩ Thái cũng khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được virus mà còn gây lãng phí và tốn kém. Bên cạnh đó, việc này còn tạo cảm giác an toàn giả, dễ buông lỏng các biện pháp phòng bệnh.

Nguồn: zingnews.vn

Ý kiến bạn đọc