Hãng CNN dẫn tin các quan chức cho biết kế hoạch này có thể giúp hạn chế tình trạng du lịch quá mức và tạo ra doanh thu hàng tỷ USD cho nền kinh tế Nhật Bản.
Núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết.
Chính quyền tỉnh Yamanashi đã công bố kế hoạch trên vào cuối tháng 9 nhằm giúp du khách có cơ hội dễ dàng tiếp cận đỉnh núi cao 3.776 mét (12.388 foot). Dự kiến, tuyến đường sắt sắp mở đến Trạm số 5 ở lưng chừng núi Phú Sĩ – có thể tạo ra doanh thu khoảng 1,56 nghìn tỷ yên (10,5 tỷ USD) trong 4 thập kỷ tới. Chính quyền tỉnh Yamanashi đề xuất tính phí 10.000 yên (67,50 USD) cho một vé khứ hồi đường sắt.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp vào ngày 20/9, giới chức trách cũng lập kế hoạch tiến tới xây dựng một khách sạn cao cấp và một trung tâm hội nghị quốc tế gần Trạm số 5.
"Hiện tại, chúng tôi đang thảo luận với nhiều người, bao gồm cả người dân, về loại phương tiện giao thông nào phù hợp đến núi Phú Sĩ. Không có mốc thời gian rõ ràng về thời điểm bắt đầu xây dựng, tuy nhiên, khi số lượng du khách đến núi Phú Sĩ tiếp tục tăng, chúng tôi coi đây là một vấn đề cần được giải quyết kịp thời", ông Katsuhiro Iwama, Giám đốc xúc tiến hệ sinh thái du lịch và bảo tồn Fuji-san của chính quyền Yamanashi cho biết.
Ông Iwama cho biết, khách sạn sang trọng gồm 40 phòng được quy hoạch cho Trạm số 5 nhằm giải quyết tình trạng thiếu chỗ ở, cho phép du khách "tận hưởng trọn vẹn" kỳ nghỉ.
"Mặc dù đã có những hoạt động như ngắm bình minh và đi dạo ở Trạm số 5 mà không cần leo lên đỉnh, nhưng nhiều du khách vẫn nhanh chóng rời đi mà không nhận ra điều này vì họ chỉ ở lại trong một thời gian ngắn. Chúng tôi tin rằng việc xây dựng khách sạn có thể là một công cụ để nâng cao sức hấp dẫn của Trạm số 5 ở núi Phú Sĩ", ông Iwana nhấn mạnh.
Theo ông Iwama, liên kết đường sắt cũng được đề xuất nhằm mục đích quản lý số lượng du khách ở đây. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu tỉnh có kế hoạch hạn chế việc tiếp cận xe buýt để kiểm soát số lượng du khách hay không.
"Bằng cách phát triển các phương án giao thông như đường sắt và cho phép các nhà điều hành đặt lịch trình, chúng tôi tin rằng có thể kiểm soát số lượng du khách và tránh tình trạng quá tải," ông Iwama nói.
Bảo tồn vẻ đẹp và giá trị của núi Phú Sĩ
Khách du lịch tập trung tại nhà hàng và khu mua sắm hiện tại gần Trạm số 5 trên núi Phú Sĩ. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vấp phải sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường và người dân. Họ cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi việc xây dựng tuyến đường sắt và khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng trên núi Phú Sĩ của Nhật Bản có thể gây rủi ro trong quá trình bảo tồn môi trường và quản lý du lịch.
Ông Tatsuo Nanai, Tổng thư ký Câu lạc bộ Fuji-san, cảnh báo cơ sở hạ tầng bổ sung sẽ gây tổn hại thêm cho hệ sinh thái mong manh của ngọn núi.
"Tôi lo ngại về quá trình bảo vệ môi trường tự nhiên trên núi Phú Sĩ nếu tiếp tục triển khai xây dựng thêm. Chúng ta đã gặp vấn đề với tình trạng du lịch quá mức và giải pháp này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn", ông Tatsuo Nanai nói.
Ông Nanai gọi kế hoạch này là "phi thực tế" và dự đoán những thách thức mới có thể gặp phải, chẳng hạn như những thách thức do tuyết rơi dày đặc trong mùa đông.
Ông cũng nghĩ đến khả năng "nhiều người dân sống gần núi và doanh nhân địa phương không hài lòng" với ý tưởng này.
Dữ liệu chính thức ghi nhận khoảng 204.316 người đã lên đỉnh núi Phú Sĩ trong mùa leo núi năm nay, từ đầu tháng 7 đến ngày 10/9. Điều đó đánh dấu mức tăng 4,4% so với năm 2019, mùa leo núi trọn vẹn cuối cùng trước đại dịch Covid-19.
Cũng trong năm 2024, thống kê ước tính khoảng 114.857 người đi bộ đường dài lựa chọn đi đường mòn Yoshida ở Yamanashi. Số lượng giảm hơn 23% so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do tuyến đường này đã áp dụng mức phí 2.000 yên cho mỗi người leo núi và giới hạn thời gian leo núi.
Vì vậy, ngày càng có nhiều người đi bộ đường dài lựa chọn các tuyến đường thay thế ở quận Shizuoka, khiến tình trạng tắc nghẽn trên các tuyến đường đó trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, ý tưởng về hệ thống vận chuyển công cộng trên Núi Phú Sĩ không phải là mới. Các đề xuất đã có từ năm 1935, khi người ta đề xuất dùng cáp treo đi qua một đường hầm nhân tạo để lên đỉnh núi.
Hiện tại, chính quyền tỉnh Yamanashi đang tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ và quản lý cho dự án với ước tính có thể tạo ra tới 120.000 việc làm cho người dân trong 40 năm tới.
Một cuốn sách nhỏ quảng cáo cho chiến dịch tuyên bố "Núi Phú Sĩ đang kêu cứu" vì tình trạng quá tải và các biện pháp mới là rất cần thiết để giảm thiểu tác động môi trường do số lượng du khách ngày càng tăng.
Đề xuất này hứa hẹn sẽ triển khai "hệ thống giao thông thế hệ tiếp theo thân thiện với cả con người và môi trường", nhằm biến khu vực này thành một "điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới".
"Chúng tôi, những người sống trong thời đại này có trách nhiệm bảo tồn vẻ đẹp và giá trị của Núi Phú Sĩ cho các thế hệ tương lai", Thống đốc tỉnh Yamanashi Kotaro Nagasaki nhấn mạnh./.
Hồng Nhung